Tìm hiểu về nền văn hóa đa dạng của Hàn Quốc
Văn hóa Hàn Quốc là một nền văn hóa đương đại được hình thành và phát triển từ nền văn hóa truyền thống lâu đời. Một trong những lý do Hàn Quốc được các du khách yêu mến chính bởi nền văn hóa này và các phong tục tập quán truyền thống. Hãy cùng Du học Vũ Gia điểm qua những nét văn hóa đặc trưng của “xứ kim chi” này nhé!!
MỤC LỤC
1. Trang phục truyền thống của Hàn Quốc
Trang phục truyền thống của Hàn Quốc được gọi là Hanbok, 한복 – “Hán phục”.Theo định nghĩa trong 국어사전 (Từ điển Quốc ngữ) của Hàn Quốc thì Hanbok là “trang phục truyền thống của Hàn Quốc”. Ra đời trong thời đại Joseon, hiện nay Hanbok chủ yếu được mặc nhiều hơn thường phục trong các dịp lễ tết, hội hè, ngày cúng giỗ, tang lễ.
Thời xưa khi tình trạng phân chia giai cấp còn nặng nề thì ở Hàn Quốc, chất liệu và màu sắc, hoa văn của trang phục chính là căn cứ phân biệt tầng lớp xã hội. Các nhà thiết kế cũng đã biến đổi chất liệu, kết cấu, kiểu dáng và màu sắc rất nhiều để làm phong phú thêm sự lựa chọn cho khách hàng. Áo Hanbok Hàn Quốc đến giờ vẫn giữ nguyên được những nét đẹp đặc trưng, những ý nghĩa tiềm ẩn sâu xa mà lại được cách tân để có thêm nhiều đặc điểm phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Không còn chuyện người có tiền mới có thể mặc trang phục sặc sỡ, làm từ lụa, tơ tằm hay các loại vải cao cấp nữa.
Ở thời hiện đại, bất cứ ai cũng có thể mặc trang phục truyền thống bằng chất liệu bất kì với màu sắc, hoa văn nào mà mình mong muốn. Điều quan trọng hơn cả là Hanbok đã trải qua cuộc cách mạng cách tân rất độc đáo để phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, để trang phục truyền thống có thể trở thành một phần thường trực trong cuộc sống của người dân hiện đại.
2. Ngôn ngữ và chữ viết
Tiếng Hàn nói riêng hay còn được gọi là Hangeul là ngôn ngữ chính thống thể hiện chủ quyền của Hàn Quốc, được người dân sử dụng từ triều đại Joseon. Sở dĩ ngôn ngữ Hàn Quốc được ra đời nhằm mục đích để xây dựng một đất nước văn hóa và tiến đến sự văn minh của nhân loại.
Bảng chữ cái này được chính vị vua đời thứ 4 của triều đại Joseon là vua Sejeong sáng tạo ra. Khi mới ra đời Hangeul được hiểu là “Huấn dân chính âm” tức là “Những âm đúng để dạy cho dân”. Tất nhiên, mục tiêu chính của những người đứng đầu của quốc gia này là đem lại lợi ích cho quốc gia họ mà ban đầu là lợi ích của người dân. Với sự ra đời của bảng chữ cái tiếng Hàn này thì người dân không những dễ học, dễ viết mà còn cực kỳ dễ nhớ. Ban đầu bảng chữ cái tiếng Hàn chỉ có 28 chữ cái, trong đó nguyên âm là 11 và phụ âm là 17. Sở dĩ bảng chữ cái tiếng Hàn rất dễ học, dễ viết và dễ nhớ là do nó được xây dựng trên sự hài hòa của học thuyết âm dương.
3. Văn hóa chào hỏi của người Hàn Quốc
Lời chào chắn chắn sẽ là điều mà mọi người thắc mắc đầu tiên. Lời chào bằng tiếng Hàn “안녕하세요” ngày nay đã được cả thế giới biết đến. Nhưng hiếm có ai biết, lời chào này lại chứa đựng trong nó lịch sử đau thương của cả một dân tộc. Trải qua chiến tranh loạn lạc và sự thiếu thốn triền miên, con người ta trong một đêm có thể ra đi bất cứ lúc nào bởi gươm giáo loạn lạc hay đơn giản chết vì cái đói. Vì thế, cứ buổi sáng tỉnh dậy, người Hàn Quốc lại dùng câu hỏi thay cho câu chào “밤새 안녕하셨습니까?”, “안녕히 주무셨습니까?” (Đêm qua ông, bác, anh… ngủ có được bình an không ạ?). Từ “안녕” tiếng Hán (安寧) mang nghĩa là “an ninh” tức là trạng thái an toàn, không lo lắng, sợ hãi. Như vậy, đối với người Hàn Quốc, niềm hạnh phúc lớn nhất chính là trạng thái an toàn, bình an vô sự.
Nếu lời chào mang nhiều ý nghĩa đến như vậy thì việc cúi đầu khi chào hỏi cũng ẩn sâu trong đó nhiều hàm ý.Cúi đầu trong văn hóa Hàn Quốc để thể hiện lòng kính trọng của mình đối với người khác (một người lớn tuổi hơn hoặc người có địa vị cao hơn mình trong giao tiếp hàng ngày).
Nguyên tắc cúi đầu có gốc rễ sâu sắc trong xã hội Hàn Quốc, từ thời kỳ Tam Quốc (57 TCN – 668). Dù sau này Phật giáo và Thiên chúa giáo ảnh hưởng tới lối hành xử của người Hàn Quốc, Nho giáo vẫn tác động sâu sắc đến phép tắc lịch sự.
4. Văn hóa nhà ở
Nhà truyền thống của người Hàn Quốc là 한옥 (Hanok), được xây dựng theo kiến trúc mang nét văn hóa và ứng phó với khí hậu, thiên nhiên ở Hàn Quốc.
Theo nghiên cứu nhà truyền thống của người Hàn Quốc được ra đời vào khoảng 6000 TCN và đến thế kỷ 14 của triều đại Joseon thì nó được hoàn thiện. Nguyên liệu xây dựng Hanok rất dễ tìm và có sẵn trong thiên nhiên như đất, gỗ, đá. Hình dáng của Hanok cũng được thay đổi tùy theo từng vùng.
Hanok có bố cục rất hài hòa với thiên nhiên. Bố cục ngôi nhà theo chữ L rất phổ biến, ngoài ra hình dạng chữ I (chỉ có 1 nếp nhà), hay chữ U (có 3 nếp nhà) cũng khá phổ biến. Bố cục bao gồm một số nếp nhà nhỏ, nằm xoay quanh với sân trời.
Nhà truyền thống của người Hàn Quốc mang đậm tính tôn ti của người Hàn Quốc. Trong nhà truyền thống chia ra rõ rệt gian dành cho đàn ông và gian dành cho phụ nữ. Khu vực nhà chính nằm ngay trung tâm của ngôi nhà bao gồm phòng khách, phòng nghỉ, phòng bếp được gọi là 본당 (bondang). Khu vực dành cho đàn ông 사랑채 (sarang chae) được trang hoàng đẹp nhất và là khu vực để tiếp đãi khách. 안채 (anchae) là không gian dành cho phụ nữ và trẻ em. 안채 (anchae) bao giờ cũng nằm sâu phía trong. Cuối cùng là khu vực 행난채 (haengnanchae) khu vực thấp nhất trong ngôi nhà là nơi sinh hoạt của những người phục vụ.
5. Phong tục tập quán và Lễ hội
Hàn Quốc không chỉ có nền công nghiệp hiện đại với tốc độ phát triển nhanh chóng mà giá trị về mặt truyền thống, văn hóa cũng luôn được gìn giữ và quan tâm. Vì vậy, tại Hàn Quốc vẫn còn tồn tại nhiều phong tục tập quán thể hiện được giá trị tinh thần của người dân vẫn tồn tại tới ngày nay.
Nhìn chung lễ hội Hàn Quốc cũng giống như các nước khác. Mỗi một dịp sẽ đem đến ý nghĩa đặc trưng riêng. Đó là nơi hội tụ các giá trị về mặt phong tục, tập quán, nghệ thuật, nét văn hóa độc đáo của một dân tộc được kết tinh trong suốt một thời gian dài lịch sử. Đây không chỉ là nơi giải trí, giao lưu, tạo sự đoàn kết của người dân, đồng thời góp phần nâng cao giá trị văn hóa của cộng đồng và gìn giữ lưu truyền qua nhiều thế hệ.
- Lễ Tết Nguyên Đán
- Hội lửa Jeju
- Lễ hội hoa anh đào
- Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu)
- Tết Đoan ngọ
- Tết Trung thu Chuseok
6. Văn hóa ẩm thực
Văn hóa ẩm thực của Hàn Quốc khá cầu kỳ, họ có câu ‘Thực vĩ ngũ phúc chi nhất”, nghĩa là ăn uống là điều phúc lớn nhất trong năm điều phúc. Vì vậy mà bữa ăn của họ rất phong phú. Cơm, kim chi, tương đen, tương ớt, rau cải muối, rau bát trân và canh tương đen là những món thường thấy trong bữa ăn hàng ngày của người dân Hàn Quốc. Cùng với hải sản, thịt bò, thịt gà hay thịt lợn cũng là một phần không thể thiếu trong bữa ăn của họ.
Người Hàn thường ngồi bệt trên sàn để ăn. Họ rất ít khi ngồi trên ghế. Do đó mà các nhà hàng Hàn Quốc thường chuẩn bị các loại bàn ghế ăn khác nhau để phục vụ nhu cầu đa dạng của thực khách. Khác với người Việt, người Hàn ăn cơm bằng thìa và dùng đũa để ăn mỳ hoặc rau. Họ cũng ăn bằng bát và đũa riêng. Bên cạnh các món ăn thì rượu soju cũng thường xuất hiện trên mâm cơm của người Hàn. Cũng giống như người Việt, người Hàn rất thích chia sẻ thức ăn với mọi người, điều này mang ý nghĩa “đồng cam cộng khổ”. Việc rót và uống rượu cũng thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau trong văn hóa ăn uống của họ.
7. Những điều cấm kỵ trong văn hóa Hàn Quốc
Dù bạn sang Hàn Quốc với mục đích du lịch hay học tập, làm việc thì việc tìm hiểu những điều cấm kỵ trong văn hóa của họ cũng vô cùng cần thiết. Dưới đây là một số điều không nên làm để có chuyến đi Hàn suôn sẻ và hoàn hảo nhất cho bạn.
- Tránh số 4
- Không để miệng chai chạm ly
- Viết tên bằng mực đỏ
- Cắm đũa trên bát cơm
- Không nói về phẫu thuật thẩm mỹ
- Không đi cửa chính vào chùa
- Không rời khỏi bàn ăn trước người lớn tuổi
Trên đây là những thông tin bổ ích về văn hóa truyền thống của người Hàn Quốc. Hãy lưu lại cho mình để có một hành trang hoàn hảo trải nghiệm đất nước và con người nơi đây bạn nhé. Còn rất nhiều điều thú vị đang chờ bạn khám phá ở xứ sở kim chi xinh đẹp, hãy liên hệ Du học Vũ Gia để được tư vấn chi tiết hơn nhé!!
————————————–
Liên hệ ngay
Công Ty TNHH Tư Vấn Du học & Ngoại Ngữ Vũ Gia
Email: [email protected]
Hotline: 0901 897 145/ 0333 876 064
Địa chỉ: 344 Gò Dầu, P. Tân Quý, Q. Tân Phú TP.HCM
Website: https://duhocvugia.edu.vn/
Face: Du học Vũ Gia